Startup và những lưu ý về góp vốn dưới góc nhìn pháp luật

 Hiện nay, Việt Nam chúng ta đang có khoảng hơn 1.500 startup hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Xét theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì tỷ lệ ở Việt Nam thậm chí cao hơn nhiều quốc gia khác như Trung Quốc Ấn Độ, hay Indonesia. Tuy nhiên, các thống kê gần đây đều phản ánh  một thực tế không mấy khả quan đó là trong số các startup mới ra đời, chỉ có 3% là thực sự thành công và dưới 20 % startup có thể duy trì sau 2 năm hoạt động. Một trong những nguyên nhân thất bại chính đó là việc các nhà sáng lập chưa nhận thức rõ về các vấn đề pháp lý. 

STARTUP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý VỀ GÓP VỐN DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LUẬT

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Trong nội dung bài viết này sẽ tập trung vào giai đoạn đầu của startup – góp vốn để thành lập công ty.

1. ĐỐI TƯỢNG GÓP VỐN

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn  công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trừ trường hợp sau đây:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. TÀI SẢN GÓP VỐN

Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

– Đối với hình thức góp vốn bằng tài sản không đăng ký quyền sở hữu (Đồng Việt Nam,vàng,…. ) thì người góp vốn thực hiện góp trực tiếp có xác nhận bằng biên bản hoặc thông qua chuyển khoản;

– Đối với hình thức góp vốn bằng các tài sản đăng ký quyền sở hữu, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ

3. GIỚI HẠN TỐI THIỂU, TỐI ĐA VỚI VỐN GÓP

Hiện tại, ngoài trừ các mô hình kinh doanh có điều kiện về mức vốn điều lệ (tổ chức tín dụng,….) thì pháp luật doanh nghiệp 2020 không quy định về mức vốn góp cụ thể đối với các mô hình doanh nghiệp nói chung. Theo đó, với tùy khả năng tài chính thực tế, quy mô, mục đích hoạt động mà người sáng lập cân đối mức vốn góp phù hợp đảm bảo vận hành quá trình hoạt động. Tuy nhiên, startup nên lưu ý:

– Đăng ký vốn góp quá thấp: không đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp. Vốn điều lệ công ty thấp sẽ có thể là cơ sở để các đối tác, nhà đầu tư đánh giá năng lực tài chính của công ty. Cũng như giá trị doanh nghiệp thấp sẽ ảnh hưởng với việc gọi vốn sau này.

– Đăng ký vốn góp quá cao: Gây gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư khi cần góp đủ vốn theo quy định pháp luật. Ngoài ra, sẽ phải kê khai thông tin cụ thệ, minh bạch về hồ sơ tài chính thuế liên quan.

4. TỶ LỆ VỐN GÓP

Tỷ lệ vốn góp giữa các thành viên là nội dung cần được thỏa thuận và thống nhất rõ ràng ngay từ giai đoạn mới thành lập. Bới tỷ lệ này sẽ quyết định phần quyền quản lý, điều hành, quyết định các hoạt động chính của công ty cũng như là cơ sở để phân chia trách nhiệm pháp lý và lợi nhuận sau này.

Tỷ lệ vốn góp và trách nhiệm pháp lý liên quan sẽ được xác định theo từng mô hình doanh nghiệp mà startup lựa chọn. Với mỗi mô hình khác nhau sẽ có những mức tỷ lệ rõ ràng phân chia quyền và nghĩa vụ.

5. THỜI HẠN GÓP VỐN

Người góp vốn phải góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản theo quy định tại Điều 47, Điều 75 và Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thời hạn này áp dụng đối với tất cả các mô hình doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty cổ phần).