Ly hôn là điều không ai mong muốn xảy ra, tuy nhiên, nếu tình trạng hôn nhân giữa vợ chồng đã thực sự trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được thì việc ly hôn chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bạn nộp hồ sơ ly hôn cũng được Tòa án thụ lý giải quyết.
Ly hôn đơn phương là gì?
Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Ly hôn đơn phương có thể hiểu là ly hôn theo yêu cầu của một bên, theo quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Những trường hợp không được đơn phương ly hôn
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014:
Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong các trường hợp sau đây:
- Người vợ đang có thai
- Người vợ đang trong thời gian sinh con
- Người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Pháp luật hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong các trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, trong trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì người yêu cầu ly hôn phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định việc một bên yêu cầu ly hôn nhưng không có bằng chứng, chứng cứ để làm căn cứ ly hôn ví dụ: ảnh chụp, bằng chứng các di chứng của bạo lực gia đình, bằng chứng người chồng ngoại tình, bằng chứng đối phương nghiện ma túy,… thì không đảm bảo điều kiện để được đơn phương ly hôn và Tòa án không chấp nhận yêu cầu giải quyết ly hôn.
Bạn cần làm gì khi rơi vào trường hợp không được ly hôn đơn phương?
Tùy vào tình tiết cụ thể của vụ việc mà cách giải quyết của những vụ việc không thuộc những trường hợp ly hôn đơn phương cũng có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể như sau:
1/ Nếu bạn đã nộp hồ sơ ly hôn đến Tòa án thì:
+ Trường hợp 1: Tòa án sẽ không thụ lý, giải quyết hồ sơ và trả lại đơn khởi kiện.
+ Trường hợp 2: Tòa án vẫn thụ lý hồ sơ do chưa biết thông tin về việc các bạn thuộc trường hợp không được ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh và phát hiện ra thông tin thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.
+ Trường hợp 3: Nếu thuộc trường hợp không được ly hôn đơn phương do thiếu căn cứ ly hôn thì kể cả khi vụ án đã được đưa ra xét xử công khai, Tòa án cũng sẽ không chấp nhận yêu cầu ly hôn.
Như vậy, nếu thuộc vào các trường hợp không được đơn phương ly hôn, quý khách hàng nên cần nhắc về việc rút hồ sơ hoặc có thể thu thập các chứng cứ chứng minh mình đủ điều kiện ly hôn đơn phương để cung cấp cho Tòa án.
2/ Nếu bạn chưa nộp hồ sơ đến Tòa án, bạn nên cân nhắc chọn một trong hai phương án sau:
+ Trường hợp 1: Trong trường hợp, vợ đang mang thai, đang sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, bạn nên chờ đến khi hết thời hạn pháp luật giới hạn quyền khởi kiện để nộp hồ sơ ly hôn đơn phương.
+ Trường hợp 2: Trong trường hợp, bạn bị hạn chế quyền đơn phương ly hôn còn lại, bạn có thể làm hồ sơ ly hôn gửi đến Tòa án khi đã thu thập đủ thông tin đề chứng minh việc ly hôn là có căn cứ.