Doanh nghiệp là tổ chức được thành lập với mục đích kinh doanh, dưới một hình thức loại hình công ty nhất định. Trên thực tế thì mục tiêu, cách thức hoạt động của một doanh nghiệp rất phong phú mà không phải ai cũng biết. Vậy doanh nghiệp là gì, được thành lập dưới dạng nào và mục tiêu của thành lập doanh nghiệp là gì.
Thế nào là doanh nghiệp
Khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch, được thành lập theo quy định của pháp luật với mục đích kinh doanh.
Dựa vào chủ sở hữu, thành phần vốn góp, tính chất, đặc điểm thì doanh nghiệp thường được phân loại như sau:
- Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân
- Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài
Luật doanh nghiệp 2020 quy định có tất cả 5 loại hình doanh nghiệp mà mọi người có thể thành lập, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh
- Doanh nghiệp tư nhân
Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp được thành lập thì chưa chắc đã có tư cách pháp nhân. Một số doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cũng như một số doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.
Tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự quy định tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân nếu đáp ứng đủ những điều kiện:
- Được thành lập hợp pháp
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
- Có tài sản độc lập với những chủ thể khác và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật
Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân có tài sản không tách bạch với cá nhân. Tuy vậy công ty hợp danh vẫn có tư cách pháp nhân. Ngoài ra công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần cũng có tư cách pháp nhân căn cứ vào quy định của Luật doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân là loại hình công ty duy nhất theo pháp luật Việt Nam không có tư cách pháp nhân.
Những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận
Mặc dù theo quy định của Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp được thành lập nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp xã hội, mục tiêu lợi nhuận không phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp quy định doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp hoạt động nhằm mục đích giải quyết những vẫn đề của xã hội và cộng đồng. Những doanh nghiệp này sẽ sử dụng một phần lợi nhuận của mình theo quy định để thực hiện mục tiêu đã đăng ký
Doanh nghiệp nhà nước là gì
Để phân biệt doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì ta cần xem xét cơ cấu vốn góp vào doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp cho phép Nhà nước được thành lập và quản lý doanh nghiệp dưới hình thức công ty TNHH và công ty cổ phần.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty TNHH một thành viên)
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)